Ngày 26/5, tại Khách sạn Pan Pacific, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), phối hợp với Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR), tổ chức Hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản”.
Hội thảo diễn ra với sự tham dự của đông đảo khách mời, đến từ các cơ quan nhà nước của hai nước Việt Nam, Nhật Bản; các doanh nghiệp, viện nghiên cứu về vấn đề di cư lao động và lao động ngoài nước, các cơ sở đào tạo nghề, cùng nhiều thực tập sinh. Đại diện của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong, một trong những công ty được đánh giá dẫn đầu trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, cũng có mặt tham gia chương trình.
Hội thảo trình bày kết quả cuộc Khảo sát về Chương trình Thực tập sinh kỹ năng do JICA tài trợ, bao gồm các kết quả và đề xuất để giải quyết hiệu quả vấn đề khập khiễng kỹ năng giữa các thực tập sinh về nước và nhu cầu nguồn nhân lực công nghiệp, phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.
Chỉ riêng trong năm 2016, số lượng thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới hơn 40.000 người. Tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật, tính đến cuối năm 2016, ước đạt trên 90.000 người. Chương trình đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp.
Tuy nhiên, trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động. Hai nghiên cứu phát hiện ra rằng: “Vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Điều này khiến chi phí tuyển dụng thực tập sinh đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho thực tập sinh, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ”.
Để nâng cao hiệu quả chương trình thực tập sinh đồng thời giải quyết vấn đề khập khiễng kỹ năng cần phải làm ba việc:
Thứ nhất là cải thiện tính minh bạch của thị trường, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, đặt biệt thực tập sinh.
Thứ 2, nâng cao vai trò của VAMAS trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên về các dịch vụ hành chính và giám sát quy tắc ứng xử, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp thành viên thông qua hệ thống xếp hạng hiện có.
Thứ 3, khuyến khích doanh nghiệp phái cử đưa ra tầm nhìn rộng hơn về chương trình thực tập sinh, phát triển thương hiệu thông qua uy tín và chất lượng, đồng thời, cải thiện hệ thống tuyển dụng, tiếp cận trực tiếp tới các ứng viên tiềm năng nhằm thu hẹp vai trò của trung gian.
Vì vậy, nhóm khảo sát chỉ rõ, để tạo cầu nối giữa sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu về lao động ngành công nghiệp ở Việt Nam và sự gia tăng về số lượng thực tập sinh trở về, cần giải quyết được sự khập khiễng kỹ năng của thực tập sinh với nhu cầu doanh nghiệp.
Trước hết thực tập sinh cần thay đổi tư duy và hành động khi tham gia chương trình. Trong đó họ cần có mục tiêu dài hạn và chuẩn bị kế hoạch học tập để phục vụ cho quá trình làm việc tại Nhật Bản cũng như sau khi về Việt Nam.
Bạn Trần Thanh Sơn, đại diện thực tập sinh tại Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong, vừa kết thúc khóa thực tập tại Nhật Bản, chia sẻ rằng: “Mức chi phí sang thực tập ở Nhật hiện còn quá cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn khi đến Nhật Bản. Thực tập sinh này mong muốn phía Việt Nam và Nhật Bản có thể đưa ra những giải pháp tích cực cũng như quan tâm hơn đến đời sống của các thực tập sinh để họ có thêm động lực học tập và làm việc để phát triển bản thân.”
Dưới đây là hình ảnh đại diện Hải Phong JSC tham dự hội thảo cùng với Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và các Đại diện thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA):
Tiếp đón Đại Sứ Đặc Mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo tuoitrethudo.vn, baomoi.vn, thanhtra.com.vn